Từ lâu, thưởng thức và tìm hiểu, thiết lập âm thanh cho dàn hi-fi đã là một đam mê không thể thiếu của dân mê nhạc. Nhưng để đánh giá được chính xác chất lượng âm thanh của một dàn hi-fi, tai nghe, mình nghĩ chúng ta cần hiểu rõ một số khái niệm cơ bản về âm thanh. Mời anh em tham khảo và cùng thảo luận bài viết sau đây.
Âm sắc:
- Âm sắc chính là “màu sắc” của âm thanh, với mình nó có ý nghĩa tối quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và cách âm nhạc phát ra từ thiết bị đi vào tai, vào não chúng ta. Không phải cứ một dàn đắt tiền hay thiết bị tốt sẽ cho ra âm sắc hay, âm sắc chịu ảnh hưởng nặng nề từ những điều kiện ngoại quan như nguồn điện, phòng ốc. Đây tuy chỉ là khái niệm tượng hình, nhưng khi nghe một dạng âm nào đó, chúng ta có thể phần nào tưởng tượng ra được chất âm của nó. Đơn giản hơn, âm sắc càng ấm áp thì âm thanh càng mềm mại dịu dàng, ngược lại với các âm sắc lạnh sẽ mang lại âm thanh khô và cứng. Phòng càng nhiều vật liệu mềm như gối, chăn, màn, mềm, mùng, thảm, âm sẽ êm và ấm vì năng lượng và cường độ dải cao bị hút đi, có khi bị hút …hết nguồn điện sạch, tốt và được đấu line riêng cho ổ cắm thiết bị sẽ cho âm sắc hấp dẫn, uyển chuyển hơn. Ngược lại, phòng nhiều mặt phẳng nhẵn bóng, láng, như nền gạch bông, tường sơn nước, trần quá thấp chẳng hạn, âm thanh sẽ ong ong, oang oang, chói gắt, nguồn điện không tốt tiếng sẽ đanh, khô, cứng và sạn.
- Âm sắc cũng là yếu tố căn bản để giúp phân biệt giữa các nhạc cụ hay giọng người. Với mỗi nốt nhạc ta có thể phân biệt được đó là tiếng guitar hay sáo, trống… Trên góc độ vật lý, âm sắc khác nhau sẽ có cấu trúc và thành phần hài âm (harmonic) khác nhau, giúp người nghe cảm nhận chính xác âm thanh của từng nhạc cụ.
Âm hình và âm trường:
- Âm hình (imaging) là tầng lớp được tạo ra bởi các nhạc cụ với sự sắp xếp nào đó theo chiều sâu không gian hòa âm (sân khấu hay phòng thu). Một dàn hifi hay một tai nghe tốt cần tái tạo lại được không gian của bản thu ở một mức độ từ tương đối cho tới tốt. Ví dụ chúng ta nghe dàn giao hưởng của Nelson Riddle hát cùng Linda Ronstadt phải thấy được vị trí của ca sĩ, vị trí các dàn nhạc cụ, các bè, tầng lớp của nhạc cụ, thứ tự sắp xếp trước sau, ngang dọc của những thành phần trên.
Video quay rất lâu rồi nên có chất lượng hơi thấp nhưng nghe vẫn khá
- Trường âm (soundstage) chính là độ rộng của không gian âm thanh. Trường âm mang lại cảm giác âm vang, độ rộng hẹp, cao thấp và kết cấu phân bố của phòng hòa nhạc.
- Hai yếu tố này rất quan trọng quyết định tính “thật” của âm thanh.Tầng âm và trường âm thường rất đa dạng do ảnh hưởng từ đáp tuyến tần số của các thiết bị khuếch đại cũng như đặc tính âm học của phòng nghe hay vị trí loa. Cùng một dàn hi-fi nhưng được bố trí ở hai phòng khác nhau với kết cấu thiết đặt khác nhau cũng sẽ tạo ra tầng âm và trường âm khác nhau, làm cho cảm nhận âm thanh cũng phần nào thay đổi.
Mật độ hay sự chặt chẽ của âm thanh (Tone Density):
- Còn gọi là độ “đặc”, độ no và mọng của âm thanh. Mình gọi là tone density. Điều này phụ thuộc vào độ cảm nhận âm thanh của người nghe. Ta có thể cảm nhận được độ “đặc” trong tiếng trầm của đàn cello, tiếng hơi kèn đồng hay tiếng vang của bộ gõ, cường độ mạnh yếu lúc các tay trống đập hi-hat, snare. Yếu tố này phụ thuộc rất lớn vào nguồn điện cung cấp cho hệ thống, công suất của amplifier với loa hoặc tai nghe, và đáp tuyến tần số trung và trầm của các thiết bị được sử dụng, thiết kế mạch phân tần trong loa hoặc tai nghe ( nhất là những tai nghe sử dụng nhiều driver balanced armature ). Đây cũng là một yếu tố quan trọng quyết định độ trung thực và nhạc tính của âm thanh.
Độ trong trẻo (Clarity):
Một bản Jazz tuyệt vời của Oscar Peterson với độ trong trẻo cho ta cảm xúc như “ sờ ” vào được âm nhạc
- Đây cũng là một yếu tố quan trọng mà dễ nhận biết. Một dàn máy với độ trong trẻo tốt sẽ thể hiện những chi tiết nhỏ nhất trong bài nhạc một cách rõ ràng rành mạch, ngoài ra nó còn làm âm thanh dịu dàng mềm mại và dễ nghe hơn. Độ trong phụ thuộc vào khả năng tái tạo dải tần số trung, trung cao và treble trong đáp tuyến tần số, phản hồi pha ( phase response của thiết bị khuếch đại và loa ). Các thiết bị có liên quan đến độ trong trẻo của âm thanh bao gồm loa, ampli và dây nối như dây interconnect và dây loa ( 2 loại này cần là loại tốt, tốt về kỹ thuật, không phải tốt+đắt lè lưỡi, phần này sẽ nói sau trong một bài chi tiết ). Độ trong trẻo không có liên quan gì tới tiếng sáng hay tối, dày hay mỏng cả nghen anh em. Nói nôm na, bạn ngồi trong nhà nhìn ra ngoài trời qua một tấm kính, bạn thấy rõ hết những gì ngoài đó, màu sắc long lanh lóng lánh, nắng ra màu nắng, cây ra màu cây, hoa ra màu hoa, thú cưng ra màu thú cưng thì cái kính đó xịn, hay mình gọi là độ trong trẻo của nó cao và ngược lại.
Tính sống động/ độ động (dynamic):
Suzy Quatro hát Stumblin ’ In
- Tính sôi động của âm thanh phụ thuộc vào vào chất lượng của những thiết bị được thiết lập trong dàn. Nói theo kinh nghiệm tay nghề của mình, nếu thiết bị có năng lực tạo ra âm thanh trong sáng, rõ ràng, can đảm và mạnh mẽ … sẽ có nhiều năng lực mang lại chất âm có tính sôi động cao. Bạn thấy trong cái bản thu cũ xì trên youtube thôi nhưng nghe trống đánh ra đường trống, guitar bass rõ từng nốt và độ dứt khoát rất cao, trẻ khỏe, không non tay hay thiếu lực .
Độ ổn định của không gian âm thanh:
- Yếu tố này giữ cho âm trường, âm hình không thay đổi dù cho bản nhạc đó đang vào tốc cao hay đi tốc chậm. Thường thì âm thanh sẽ có vị trí phát năm giữa vị trí hai loa, nếu độ ổn định này không đều ta sẽ có cảm giác vị trí âm thanh bị xáo trộn, không còn tập trung nữa. Chất lượng thiết bị trong dàn máy, chất lượng loa/ tai nghe, vị trí đặt loa, độ kín hở của earpad tai nghe, và kết cấu phòng là các yếu tố sống còn ảnh hưởng rất lớn đến độ ổn định của âm thanh.
Độ chi tiết của âm thanh (detail):
- Khả năng tái hiện âm thanh càng chính xác bao nhiêu thì mức chi tiết của âm thanh càng cao bấy nhiêu. Ta có thể thấy, một dàn hi-fi chất lượng cao có thể tái hiện và diễn tả sự khác biệt dù là nhỏ nhất của âm thanh các nhạc cụ trong bản nhạc.
Tốc độ phản hồi tín hiệu (impulse response và impact):
- Đây là khả năng tách biệt các nốt nhạc trước và sau trong bản nhạc một cách dứt khoát và chính xác. Yếu tố này thể hiện rõ ở các tiếng trầm trong bài nhạc. Tốc độ và đáp ứng quá độ nhất thời phụ thuộc rất lớn vào loa, một bộ loa tốt dĩ nhiên sẽ có tiếng bass rõ ràng và dứt khoát, khác hẳn với các loa chất lượng trung bình với tiếng bass nặng và ì ạch, bass như chọi vào mặt ta vậy
Độ tương phản và dải rộng của âm thanh:
- Mức tương phản âm lượng chính là mức chênh lệch cao nhất (fortissimo) và thấp nhất (pianissimo) của cường độ âm thanh. Một dàn hi-fi với dải dộng tốt sẽ tái tạo được độ tương phản âm thanh một cách hoàn hảo nhất, tính chất này khi kết hợp với âm hình và âm trường sẽ cho một không gian nghe lý tưởng, riêng cái khoản này thì …. càng tốt bao nhiêu thì thiết bị và loa/ tai nghe càng đắt bấy nhiêu.
Đặc tính của thiết bị và sự phối hợp:
- Khi thết kế và tùy chỉnh ta cần hiểu rõ đặc tính kỹ thuật của loa/ tai nghe và công suất của amplifier đầu tiên. Nguyên tắc là phối hợp đủ công suất amplifier và loa thì loa sẽ kêu tốt và đủ dãi, hài hòa và mạch lạc, còn âm sắc, hay đến đâu thì bạn phải tìm hiểu chất âm và đặc tính riêng của từng thiết bị nhằm gia giảm và hay thêm thắt hợp lý, mang lại sự đồng bộ và phối hợp ăn ý nhất giữa các thiết bị trong dàn máy, cái này phụ thuộc vào kinh nghiệm.
Theo: Tinh Tế
Source: http://139.180.218.5
Category: Kiến thức âm nhạc