Đặc điểm hình thái
Thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc thành cụm cao 20-30m, đường kính 20-30cm, ngọn rủ, một số đốt ở gốc thường có vòng rễ khí sinh; lóng hình ống tròn, một số lóng ở gốc co ngắn làm cho đốt phía dưới gần nhau và xiên rất dị dạng. Lóng bình thường phần dưới thân dài 17-22cm, lúc non phủ dày phấn trắng; đốt có một dải lông tơ màu nâu và rộng khoảng 3-4mm. Ở đoạn thân có chiều cao dưới cành 3-5m, cành chính thường không phát triển. Mo thân ở các đốt chưa phân cành rụng muộn hay tồn tại; bẹ mo chất da dày, lúc đầu màu lục vàng, dài hơn lóng, mặt lưng có lông mềm, thưa, mặt bụng phủ lông gai nhỏ giữa các gân. Cành nhỏ mang khoảng 8 lá; bẹ lá lúc non phủ lông nhung, sau không lông; tai lá khuyết, lá dài 20-40cm, rộng 4-6,5cm, hai mặt phủ lông mềm, thưa hay gần như không lông, gân cấp hai 10-13 đôi.
Cành hoa không lá hay có lá, cụm hoa dạng chuỳ tròn, cỡ lớn, mỗi đốt cành hoa đính một đến nhiều bông nhỏ, chiều dài lóng cành 2-4cm, phủ lông nhung; bông nhỏ hơi dẹt, dài 3-3,5cm, rộng 6,5-7,5mm, đầu nhọn, chứa 5 hay 6 hoa nhỏ; hoa nhỏ tận cùng chỉ có mày ngoài; mặt lưng phủ lông nhỏ, nhiều gân, đầu có mũi nhọn nhỏ; dài 1,7-2,5cm, mày trong lưng có hai gờ, giữa các gờ có 5 gân, đầu xẻ 2, chỉ nhị dài 1,5-3,0cm, tách rời nhau, có lúc xếp sát nhau ở gốc thành ống chỉ nhị dễ tách rời, bao phấn dài 8-12mm; vòi rất dài.
Các thông tin khác về thực vật
Bương lớn rất gần với loài tre mạnh tông về hình thái; đặc biệt là về mầu sắc, cấu tạo của thân và lông hung phủ ở gốc các thân non; nhưng bương lớn khác với tre mạnh tông là có thân lớn hơn, bẹ mo tồn lại rất lâu trên thân, nên rất gần với loài D. sinicus Chia et J.L.Sun, một loài tre lớn phân bố nhiều ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Cần thu thập tiêu bản đầy đủ hoa và quả của loài này để giám định đúng tên khoa học một cách chính xác. Một số tác giả đã cho rằng, bương lớn có thể là loài tre mới của Việt Nam.
Phân bố
Việt Nam:
Bương lớn hầu như không gặp trong rừng tự nhiên. Thường chỉ gặp ở dạng trồng trọt tại các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình và Hà Tây.
Bương thường được trồng phân tán hoặc tập trung thành các diện tích nhỏ ở vườn rừng, ven rừng thứ sinh; mỗi khóm thường khoảng 50 cây. Bương lớn được trồng tập trung ở xã Yên Sơn thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Ba Vì, Đồng Bảng (Mai Châu-Hoà Bình), Tú Sơn (Kim Bôi-Hoà Bình).
Thế giới:
Trung Quốc.
Đặc điểm sinh học
Cây ưa khí hậu nhiệt đới mưa mùa với 2 mùa rõ rệt. Mùa nắng nóng, mưa nhiều từ tháng 4-5 đến tháng 10-11, lượng mưa chiếm tới 70% tổng lượng mưa cả năm. Mùa lạnh mưa ít từ tháng 10-11 đến tháng 4-5 năm sau. Địa hình thường là đồi thấp, có độ dốc vừa phải, cao dưới 800m so với mặt nước biển. Cây được trồng ở độ cao 200-800m, thích hợp nhất ở độ cao 300-600m, độ dốc 5-150; đất feralit vàng hay đỏ vàng phát triển trên diệp thạch hoặc sa thạch. Cây trồng chân núi đá vôi có tầng đất dày cũng phát triển tốt.       
Mùa măng tháng 5 đến tháng 10, tập trung tháng 6-8.
Công dụng
Thân bương lớn to, dài, chắc, bền nên thường được dùng làm cột buồm, làm nhà. Các dân tộc vùng cao dùng bương lớn làm máng dẫn nước, làm nguyên liệu cho công nghiệp giấy, chế biến thay thế cho gỗ có hiệu quả cao. Măng Bương lớn to, ăn ngon, ăn tươi hoặc phơi khô, cũng có thể đóng hộp. Một bụi cây to có thể cho tới 180kg măng tươi/bụi/năm. Măng tươi của bương được thi trường rất ưa chuộng vì có vị hơi đắng rất đặc biệt, măng đầu vụ có thể bán 2.000-3.000đ/kg; trọng lượng măng lúc khai thác có thể đạt tới 15kg/măng. Có bụi một năm thu được 10-15 măng. Một số hộ buôn bán ở Sơn Tây (Hà Tây) còn mua măng tươi về sau đó luộc và bảo quản trong chum, vại to để 4-5 tháng sau mới bán cho được giá.
Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
Nhân giống:
Có thể ươm tạo cây giống bương lớn bằng hom thân, cành chét, hoặc tách gốc cây mẹ.
+ Việc tách gốc cây mẹ được người dân ở nhiều nơi áp dụng: chọn cây bánh tẻ (1-1,5 tuổi) đào tách lấy gốc và một đoạn thân khí sinh phía trên, khoảng 1,5-2m, sau đó đem trồng. Thời điểm tách gốc vào mùa xuân (tháng 2 đến tháng 3).
+ Tạo cây con từ cành chét: Cành chét được chọn là những cành to mọc sát gốc cây mẹ. Gốc của hom chét phình to trông như đùi gà, có vòng rễ mọc trên các đốt của gốc hom. Dùng dao sắc chặt vào gốc cành, phía sát gốc cây mẹ, để tách cành khỏi thân cây mẹ; sau đó cắt bỏ phía ngọn của hom, chỉ giữ lại một đoạn khoảng 0,5m (tương đương với 2-3 đốt), dùng tay bóc bỏ bẹ mo, rồi hồ bùn, giâm ra luống. Sau khi hom giống ra rễ đều và có màu vàng có thể đem trồng. Tỷ lệ hom sống rất cao, có thể đạt trên 95%. Cũng có nơi, cư dân có kinh nghiệm: chỉ chặt sâu vào 1/2 gốc cành, sau đó dùng đất trộn phân bó vào gốc và bọc chặt 2 đầu bằng nhựa PE để chiết; khi cây ra rễ dài 2-3cm mới cắt cành mang ươm.Theo cách này, tỷ lệ sống của cành giống cao hơn nhiều so với cách không chiết cành.
Thời gian tách hom vào mùa mưa.
+ Tạo cây con từ hom thân: Chọn cây bánh tẻ (khoảng12- 18 tháng tuổi), chặt xuống và cưa lấy các hom (mỗi hom có 1-2 lóng, 2-3 đốt có mang mắt ngủ hoặc cành). Dùng thuốc kích thích ra rễ NAA hoặc sản phẩm thuốc giâm hom của hãng Thiên Nông, dạng dung dịch, bôi vào vòng rễ và giâm trên luống như nhân giống hom tre luồng. Chú ý phủ luống bằng rơm rạ, tưới ẩm thường xuyên, diệt trừ mối và dế mèn phá hoại. Cây con 6-12 tháng tuổi có thể đem trồng. Phương thức này có thể đáp ứng cây giống để trồng với quy mô lớn. Người Dao ở Yên Sơn có kinh nghiệm cắt cây bánh tẻ thành từng đoạn 1-1,5m (gồm 3-4 lóng), sau đó chôn các đoạn thân tre đó vào đất khoảng 1/3 chiều dài theo một gốc nghiêng. Khoảng 2-3 tháng sau, từ mắt thân của đoạn tre bắt đầu nẩy chồi, ra cành và lá. Nếu trồng đúng thời vụ, vào tháng 2-3 khi có mưa xuân, độ ẩm cao, tỷ lệ sống của hom có thể đạt 80-90%.
Trồng và chăm sóc:
Đào hố sâu 50x50x50cm, các hố cách nhau 5-7m. Đào trước khi trồng khoảng 1 tháng. Sau đó lấp hố có kết hợp bón lót bằng phân chuồng hoai (5-10kg/hố).
Các thao tác trồng tương tự như đối với tre luồng. Thời vụ trồng thích hợp vào mùa xuân (tháng 2 đến tháng 3) và đầu vụ thu (tháng 7, 8).
Sau khi trồng chú ý vun gốc, giữ ẩm và chống mối.
Nên trồng phân tán, không nên trồng quá dày vì bụi bương rất lớn.
Cần chăm sóc 2-3 năm đầu; chủ yếu là phát quang những cây che bóng và vun gốc cho cây.
Khai thác, chế biến và bảo quản
Bương lớn phát triển rất nhanh. Cây 3 tuổi đã cao 8-10m; đường kính gần bằng cây mẹ và có thể khai thác. Kinh nghiệm của đồng bào Dao ở xã Yên Sơn-Ba Vì, thường khai thác những măng ra đầu và giữa vụ, còn để lại những măng ra cuối vụ để thành cây bương mới. Ưu tiên khai thác các cây mọc giữa khóm vì chúng đẻ ít măng và để lại các măng mọc phía ngoài khóm. Các măng này sẽ phát triển thành cây tre mới và vụ sau thường đẻ nhiều măng.
Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
Bương lớn là loại tre to có thể đáp ứng nhiều yêu cầu sử dụng. Cần được khuyến khích gây trồng, phát triển. Đây là loài tre cho măng rất tốt, măng ngon và năng suất cao, lại dễ gây trồng, tỷ lệ sống cao, ít công chăm sóc nên rất thích hợp để phát triển ở các vùng đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Có thể phát triển loài bương lớn này để góp phần xoá đói giảm nghèo ở miền núi. Dân xã Yên Sơn, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, sống chủ yếu bằng nghề trồng bương lấy măng bán. Có gia đình thu nhập từ 10-30 triệu đồng một năm từ nguồn bán măng bương.
Loài bương lớn cần được quản lý chặt chẽ và khai thác đúng kỹ thuật đã hướng dẫn (để lại các cây dưới 2 tuổi và giữ lại số măng sinh ra cuối vụ) để đảm bảo tái sinh lâu dài cho bụi bương.     
Hiện nay bương lớn trong rừng trồng bị khai thác tuỳ tiện: Chặt cây, lấy măng không được quản lý nên ngày một thoái hoá.
Cần nghiên cứu kỹ thuật gieo trồng, khai thác thân tre và măng để bương lớn có thể phát triển bền vững. Cũng cần hướng dẫn người trồng bương chế biến măng khô, đặc biệt là làm măng lưỡi lợn để nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho. Nên khuyến khích phong trào trồng bương lớn ở các địa phương có điều kiện thuận lợi.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Mộng Chân, Lê Thị Huyên (2000). Thực vật rừng. Nxb Nông nghiệp;
2. Ngô Quang Đê (1994). Gây trồng tre trúc, Nxb Nông nghiệp;
3. Trần Ngọc Hải (2001). Nghiên cứu vai trò của LSNG tại Yên Sơn – Ba Vì;
4. Trần Ngọc Hải (2001), Báo cáo thử nghiệm nhân giống tre nứa tại Kim Bôi – Hoà Bình;
5. Lê Viết Lâm (2005). Điều tra bổ sung thành phần loài, một số đặc điểm sinh thái các loài tre chủ yếu ở Việt Nam, Đề tài cấp Bộ;
6. Vũ Văn Dũng (1991), Các loài tre nứa ở Việt Nam, Tóm tắt một số công trình nghiên cứu 30 năm điều tra quy hoạch rừng, Viện điều tra quy hoạch rừng (Tài liệu lưu hành nội bộ).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *