thiết chế xã hội cổ truyền của người Việt Nam. Từ lâu đời GT Việt Nam chia làm hai loại: một là nhà hay tiểu gia đình phụ quyền bao gồm hai thế hệ là chủ yếu (bố mẹ, con cái) và hai là họ, gồm tất cả mọi người cùng chung một ông tổ sinh ra, kể cả người đã mất và người đang sống. Họ thường có một chi trưởng và nhiều chi thứ. Những người quan hệ trong một gia đình thường là cha mẹ (khảo, phụ mẫu), ông bà (tổ), còn trên nữa là cụ (tằng), kị hay sơ (cao), rồi đến cao tổ, cho đến thuỷ tổ. Còn ở bên dưới, thường là con (tử), cháu (tôn). Còn dưới nữa là chắt (tằng tôn) và chút (huyền tôn), cho đến ở xa dưới nữa thì gọi một tên chung là viễn tôn. Từ cao tổ xuống huyền tôn là cửu tộc, tức 9 đời có mối liên hệ trực tiếp với nhau, chứ không phải 9 họ. Trong gia đình đứng đầu là con trưởng. Đứng đầu họ là trưởng tộc, là người con trưởng của gia đình thuộc chi trưởng trong họ. Nhà thờ họ có nơi thờ chung cả họ (đại tông) và nhà thờ các chi (tiểu tông). Người trưởng tộc có trách nhiệm dự các cuộc họp của các chi họ, phân xử khi có tranh chấp trong các chi, góp ý khi trong họ có việc quan trọng. Ở Miền Nam, trưởng tộc là người lớn tuổi hay có đức vọng hơn hết ở trong họ, không theo nguyên tắc đích trưởng chặt chẽ như ở Miền Trung và Miền Bắc. Người trong họ nội không được lấy nhau. Còn về họ ngoại (bên mẹ), con cô, con cậu, con dì cũng không được lấy nhau. Từ bậc cháu trở đi, không còn cấm nữa. Quan niệm nối dõi tông đường trước đây rất được coi trọng. Nhà nào không có con trai thì nhận con trai nuôi để lo việc thờ cúng tổ tiên (gọi là lập tự). Con gái đi lấy chồng cư trú bên chồng và trở thành thành viên của nhà chồng. Hằng năm, GT có ngày giỗ, ngày tết, các ngày sóc vọng, thanh minh, khi có hiếu hỉ, vv. đều phải làm lễ cáo gia tiên. Ruộng hương hỏa của họ hay tộc điền do cúng tiến, mua tậu, để hậu… thường luân phiên cày cấy hay cho thuê lấy hoa lợi, lo việc họ và cúng tế.
Source: http://139.180.218.5
Category: Thuật ngữ đời thường