Site icon Nhạc lý căn bản – nhacly.com

Ngày không phòng – kỵ giá thú

Không Phòng kỵ giá thú 

Trong việc xem ngày cưới, ngày Không Phòng được đặt lên hàng đầu trong việc loại trừ các ngày được coi là bất lợi cho hôn thú. Ngày này có một bài thơ để cho dễ nhớ như sau : 
Xuân : Long – Xà – Thử kỵ Không Phòng 
Hạ : Khuyển – Chư – Dương phá bại vong
Thu : Mã – Thỏ – Dần vô nghi dụng 
Đông : Kê – Hầu – Sửu kết hôn hung 

Giảng nghĩa : 
Vào mùa Xuân, tức là vào các tháng Giêng, Hai, Ba ( tháng Dần, tháng Mão, thángThìn ) những ngày là Thìn ( Long), Tỵ ( Xà), Tý ( Thử ) là ngày Không Phòng.

Vào mùa Hạ, tức là vào các tháng Bốn, Năm, Sáu ( tháng Tỵ, tháng Ngọ, tháng Mùi) những ngày là Tuất ( Khuyển ), Hợi ( Chư), Mùi ( Dương ) là ngày Không Phòng.

Vào mùa Thu, tức là vào các tháng Bảy, Tám, Chín ( tháng Thân, tháng Dậu, tháng Tuất) những ngày là Ngọ ( Mã), Mão ( Thỏ), Dần là ngày Không Phòng 

Vào mùa Đông, tức là vào các tháng Mười, Mười Một, Mười Hai ( tháng Hợi, tháng Tý, tháng Sửu) những ngày là Dậu ( Kê), Thân ( Hầu ), Sửu là ngày Không Phòng. 

Kết hôn vào ngày Không Phòng chủ việc cô đơn, bất lợi, không hạnh phúc lâu dài. Cuộc sống gia đình hay trục trặc dễ đổ vỡ. Hôn nhân không được thuận lợi. 
Đây chỉ kỵ việc kết hôn, việc ăn hỏi không kỵ.

Nguồn gốc sự tích ngày Không Phòng như sau: 
Xưa, có vị tiên gia tên hiệu Không Phòng Hôn Thú Thị Đẳng Thần là một trong số những thuộc hạ dưới quyền của Đức Nguyệt Lão Nhân Duyên Phu Thê Tử Tôn Tác Hợp. Được giao nhiệm vụ tra cứu sổ sách duyên nghiệp, tác hợp nhân duyên cho chúng sanh bá tánh nơi cõi trần. Vì tình cờ gặp gỡ mà thân quen với một tiên nữ có tên là Lan Tiên – thị nữ của Hằng Nga Tiên Nữ, ở cung Quảng Hàn. 

Trải qua thời gian biến đổi, nam nữ tình thân, phát sinh mối quan hệ tình cảm yêu thương tha thiết. Tuy nhiên, luật của thế giới thần thông đối với Tiên, Thần là không được phép có ái tình nhục dục, không được yêu đương, tình cảm nam nữ không được vượt quá giới hạn tình bạn.

Hai người bàn tính việc bỏ trốn xuống trần gian. Sự việc bị bại lộ, Lan Tiên bị giáng xuống làm phàm nhân, đầu thai vào cõi Nhân làm người, vĩnh viễn không được trở lại Tiên giới. Không Phòng Hôn Thú Thị Đẳng Thần bị bãi miễn chức vụ, bắt giam 100 ngày rồi sau khi thụ hình giáng xuống làm người trông coi vườn Thượng Uyển ở cung Đâu Suất.
Mặc dù phải chịu hậu quả do làm trái Thiên Quy, nhưng Không Phòng vẫn không hề hối tiếc. Trong tâm trí của chàng, hình ảnh nàng Lan Tiên xinh tươi, dịu dàng, đằm thắm lúc nào cũng hiển hiện không phai mờ. Xa cách ngàn trùng, nỗi bi ai chán chường, buồn phiền vô hạn. Chàng Không Phòng giờ đây không còn thanh tao, đạo mạo như xưa nữa. Mái tóc chàng nửa thì đen, nửa thì trắng, lại dài đến tận thắt lưng. Một khuôn mặt ưu tư, khắc khổ, âu sầu, đôi mắt chỉ toát lên nỗi nhớ nhung và tiếc thương khôn tả. Khoác trên người chiếc áo choàng dài màu xám, bộ dạng của chàng đáng thương tới mức Thần Tiên gặp mặt cũng buồn lây, Ma, Quỷ trông thấy cũng hờn dỗi.

Mỗi khi nhớ đến Lan Tiên, chàng xin phép đi ngao du nơi trần gian. Mục đích là xuống cõi trần để tìm gặp lại một lần bạn tâm tình xưa cũ. Nhưng Lan Tiên đã bị giáng đầu thai làm người phàm, giờ đây dung mạo và hoàn cảnh đã đổi khác, biết tìm ở nơi đâu?
Chàng nhìn thấy trong những đám cưới, cô dâu nào cũng xinh đẹp như là tiên nữ giáng trần. Chàng tự hỏi: “Biết đâu trong số đó chính là Lan Tiên? “
Thôi thì nhầm còn hơn bỏ sót, chàng liền dùng cây gậy Bạch Trúc chỉ vào cô dâu, chú dể mà niệm thần chú, khiến cho người con gái nọ phải thay lòng, người con trai kia phải đổi dạ, để họ không thể có được sự tâm đầu ý hợp, hòa đồng, hạnh phúc, để không ai có thể cướp đi người trong mộng của chàng.

Từ đó, cứ vào 3 ngày cố định của bốn mùa, chàng Không Phòng lại xuống cõi nhân gian kiếm tìm trong hy vọng. Gây ra cho chúng sanh biết bao nhiêu hậu quả nhân duyên trái ngang.

Exit mobile version