* Trong từ Hán Việt, bố chồng và mẹ chồng gọi là gì? Gọi là nhạc phụ và nhạc mẫu có đúng không? (Nguyễn Hùng, Hải Châu, Đà Nẵng).
– Theo “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, cha chồng gọi là công [公 ], mẹ chồng gọi là bà [婆].
“Hán Việt từ điển trích dẫn” (có thể tra trực tuyến tại địa chỉ vietnamtudien.org/hanviet) giảng kỹ hơn. Từ điển này được phát triển từ những dữ kiện thâu thập trong bản điện tử của “Hán Việt tự điển Thiều Chửu”, có tham khảo các tự điển, từ điển, sách in quen thuộc và tận dụng các trang từ điển ngày càng đầy đủ và hữu hiệu trên mạng Internet.

Theo “Hán Việt từ điển trích dẫn”, công [公] (danh từ) là tiếng xưng hô chỉ cha chồng. Ví dụ, công công [公公]: cha chồng, công bà [公婆]: cha mẹ chồng. Sách “Tam quốc diễn nghĩa”, hồi thứ tám có câu: “Lão phu bất cảm hữu vi, tùy dẫn Điêu Thuyền xuất bái công công”. Nghĩa là: Lão phu không dám trái phép, phải dẫn Điêu Thuyền ra lạy bố chồng.

Cũng theo từ điển trực tuyến này, bà [婆] (danh từ): Tục gọi mẹ chồng là bà. Sách “Hồng Lâu Mộng”, hồi thứ năm mươi bốn có câu: “Duy hữu na đệ thập cá tức phụ thông minh linh lị, tâm xảo chủy quai, công bà tối đông”. Nghĩa là: Chỉ có người con dâu thứ mười là thông minh lanh lợi, khéo léo mồm mép, bố mẹ chồng rất thương.

Tuy nhiên, việc dùng các từ công hoặc công công (cha chồng), bà (mẹ chồng) vào thực tế văn hóa ứng xử của người Việt đã không được thuận tiện vì tính đa nghĩa của từ Hán Việt. Công còn có nghĩa là ông (cha của cha), bà còn có nghĩa là mẹ của cha (theo Hán Việt từ điển Đào Duy Anh). Thực tế, theo cách gọi này, nếu muốn giới thiệu quan hệ giữa người con dâu A với cha chồng (là ông B) và mẹ chồng (bà C) thì sẽ nói như thế nào? Ông B là công/công công của bà A? Bà C là bà của bà A? Cả hai cách nói đều dễ gây hiểu nhầm trong người Việt.

Thêm vào đó, công công là một trong những tên gọi khác chỉ hoạn quan (thái giám) trong từ Hán Việt (gồm: công công, tự nhân, yêm nhân, nội thị, thị nhân, yêm hoạn, hoạn giả, trung quan, nội quan, nội thân, nội giám…). Phim truyện Trung Quốc nói về các công công – thái giám đầy ra đó, có người Việt nào dám nói ông (gì đó) là công công của tôi không?

Gọi bố chồng, mẹ chồng là nhạc phụ, nhạc mẫu là không đúng. Hán Việt từ điển Đào Duy Anh, Hán Việt tự điển Thiều Chửu đều giảng rõ ràng rằng nhạc phụ là cha vợ và nhạc mẫu là mẹ vợ. [“Hán Việt từ điển trích dẫn” ghi chú thêm rằng, trên núi Thái Sơn (một trong 5 ngọn núi lớn bên Trung Quốc, gọi là Ngũ Nhạc với chữ nhạc 岳 như trong nhạc phụ, nhạc mẫu) có một ngọn núi tên là Trượng Nhân phong. Vì thế, bố vợ cũng gọi là nhạc trượng].

Trở lại với câu hỏi ở trên, hiện vẫn chưa có cách dùng thống nhất đối với trường hợp gọi bố/mẹ chồng theo từ Hán Việt. Ý kiến của PGS.TS Vũ Duy Thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Đảng; và Th.S Trần Hoàng (chuyên nghiên cứu Văn hóa Việt Nam), PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hải (chuyên nghiên cứu Văn học Trung Quốc), Th.S Trần Đại Vinh (chuyên nghiên cứu Văn học Hán Nôm), giảng viên Trường ĐHSP Huế cùng cho rằng con gái về nhà chồng phải coi bố mẹ chồng là bố mẹ đẻ, nàng dâu theo cách gọi của chồng mà gọi bố/mẹ chồng là thân phụ, thân mẫu, song thân chứ không gọi họ là nhạc phụ, nhạc mẫu (như con rể gọi bố/mẹ vợ).

Việc định danh các mối quan hệ trong gia đình, thân tộc bằng từ Hán Việt là việc không dễ, khi mà văn hóa Việt Nam và Trung Hoa có những dị biệt nhất định. Nhà ngôn ngữ học, Giáo sư Cao Xuân Hạo (1930 – 2007) từng nói: “Thời nay không ai có thể tự cho mình là “nhà bách khoa” cái gì cũng biết”. Trên tinh thần cầu thị, mong muốn tìm biết những gì chưa biết hết, rất mong bạn đọc gần xa đóng góp ý kiến thêm về vấn đề bàn ở trên để mọi người có thể xác quyết được điều còn tồn nghi.

Đ.N.C.T

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *