Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu – Bác sĩ Răng Hàm Mặt – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Tiêu xương hàm là bệnh răng miệng nguy hiểm, xảy ra sau khi mất răng, thể hiện ở tình trạng vùng xương chân răng bị tiêu biến. Nếu không kịp thời điều trị, tiêu xương hàm có thể gây lệch khớp cắn, méo miệng rất mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai của bệnh nhân.
Nội dung chính
1. Tiêu xương hàm là gì?
Tiêu xương hàm còn gọi là bệnh tiêu xương ổ răng, gồm cả trường hợp tiêu xương răng hàm trên và tiêu xương răng hàm dưới. Tình trạng này xảy ra khi mật độ, chất lượng xương hàm bị suy giảm do nhiều nguyên nhân, khiến nướu bị teo lại, gương mặt bị méo, lão hóa, chảy xệ và ảnh hưởng lớn tới khớp cắn.
Bạn đang đọc: Tiêu xương hàm răng gây ảnh hưởng gì?
Nguyên nhân gây tiêu xương hàm chủ yếu đến từ hiện tượng mất răng và viêm nha chu.
- Hiện tượng mất răng: khi mất răng, xương hàm sẽ có một khoảng trống ở vị trí chân răng, không còn lực nhai tác động của răng lên xương hàm, dẫn tới quá trình tiêu xương. Thông thường, sau khi bị mất răng khoảng 3 tháng, mật độ xương hàm sẽ suy giảm từ từ. Trong khoảng 12 tháng đầu tiên, 25% xương hàm ở vị trí răng mất sẽ tiêu biến. Sau khoảng 3 năm, xương hàm sẽ bị tiêu biến tới 45 – 60%;
- Viêm nha chu: nướu bị viêm gây tụt nướu, hở chân răng; dẫn tới tình trạng xương và dây chằng bao bọc quanh răng bị tiêu hủy dần, khiến răng không còn chỗ dựa.
2. Các dạng tiêu xương hàm khi mất răng
Sau mất răng do tuổi tác hoặc tai nạn, nếu không trồng răng kịp thời, người bệnh có thể bị tiêu xương hàm. Các dạng tiêu xương hàm do mất răng gồm:
- Tiêu xương hàm theo chiều ngang: độ rộng của xương hàm ở vị trí mất chân răng sẽ thu hẹp lại, vùng xương kế cận giãn ra và xâm lấn sang khoảng trống xương vừa bị tiêu, khiến các răng kế cận bị đổ nghiêng và xô lệch gây mất thẩm mỹ, mất tự tin khi giao tiếp;
- Tiêu xương hàm theo chiều dọc: phần xương hàm dưới nướu bị tiêu hõm xuống, trũng sâu hơn so với xương hàm kế cận. Theo thời gian, vùng nướu ở vị trí tiêu xương cũng bị teo nhỏ lại;
- Tiêu xương khu vực xoang: khi bị mất răng ở hàm trên, các đỉnh xoang sẽ tràn xuống, độ rộng của xoang tăng dần theo thời gian nếu không thực hiện lắp răng giả thay thế chân răng thật;
- Tiêu xương toàn bộ khuôn mặt: xảy ra trong các trường hợp mất nhiều răng ở cả hàm trên và hàm dưới. Các biểu hiện tiêu xương khi mất nhiều răng dễ phát hiện vì khuôn mặt người bệnh có thay đổi rõ rệt: khuôn miệng hõm vào, có nhiều nếp nhăn;
- Hạ thấp xương hàm khi mất nhiều răng: nếu tình trạng tiêu xương hàm không được khắc phục kịp thời thì theo thời gian xương hàm sẽ bị tiêu biến dần dần đến các ống thần kinh nằm sâu bên dưới, gây khó khăn trong phục hồi xương hàm khi phục hình răng giả bằng phương pháp cấy ghép răng Implant.
3. Tiêu xương hàm gây ảnh hưởng gì?
Do bệnh tiêu xương hàm không xảy ra ngay lập tức sau khi mất răng và thường không có biểu hiện trong thời gian đầu nên nhiều người đã đánh giá thấp về mức độ nguy hiểm của tình trạng này. Thực tế, tiêu xương hàm gây ra khá nhiều hệ lụy như:
- Về sức khỏe: xương hàm bị tiêu biến khiến độ rộng và chiều cao của thành xương bị giảm đi đáng kể, không thể nâng đỡ được nướu, gây tụt nướu, làm bờ nướu mỏng dần. Điều này tạo cơ hội để vi khuẩn phát triển nhiều hơn, gây đau đầu, suy giảm sức khỏe của bệnh nhân;
- Về thẩm mỹ: hiện tượng tiêu xương hàm có thể dẫn đến xương hàm dưới bị ngắn hơn. Khi xương hàm bị tiêu biến tới 60% sẽ gây ra tình trạng các dây chằng và cơ mặt hóp vào trong, dấu hiệu lão hóa trên mặt biểu hiện rõ ràng hơn. Hậu quả là gương mặt người bệnh sẽ bị teo nhỏ và già nua trông thấy;
- Về chức năng ăn nhai: tình trạng tiêu xương răng khiến xương hàm bị tụt thấp, hàm răng có xu hướng đổ về phía khoảng trống, khiến các răng kế cận răng bị mất bị xô lệch, có nguy cơ lung lay và gãy rụng cao. Đồng thời, tiêu xương hàm cũng dẫn tới tình trạng lệch khớp cắn, khiến người bệnh gặp khó khăn khi ăn nhai;
- Cản trở điều trị: sau khi mất răng, nếu trì hoãn việc điều trị thì xương hàm sẽ ngày càng tiêu biến nhiều hơn. Tỷ lệ và chất lượng xương giảm sút khiến việc phục hình răng bằng phương pháp trồng răng Implant trở nên khó khăn hơn vì trụ Implant khó đứng vững trong môi trường xương kém. Lúc này, nếu muốn cấy ghép Implant, người bệnh buộc phải ghép xương và chi phí điều trị bị đội lên rất nhiều.
4. Trồng răng Implant – phương pháp ngăn chặn nguy cơ tiêu xương hàm
Để tránh nguy cơ bị tiêu xương chân răng, mỗi người cần có chế độ chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt, nên đi lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần và điều trị sớm nếu có dấu hiệu viêm nướu. Tốt nhất, sau khi mất răng, bệnh nhân nên trồng Implant sớm để ngăn ngừa hiện tượng tiêu xương hàm. Khi được trồng răng, áp lực được duy trì thường xuyên, xương hàm sẽ không bị ảnh hưởng hay tiêu biến.
Khi tiến hành trồng răng Implant, bác sĩ sẽ cấy ghép trụ Titanium vào bên trong xương hàm rồi gắn khớp nối Abutment và thân răng sứ lên trên, giúp phục hình một chiếc răng giả có cấu tạo tương đương răng thật. Chân răng Implant sẽ thay thế chân răng thật đã mất, duy trì áp lực nhai lên xương hàm, ngăn chặn tình trạng tiêu xương, trồi răng, viêm nha chu và những hậu quả khác do mất răng gây ra.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đang cung cấp Gói trồng răng Implant cho các khách hàng bị mất răng, tiêu xương hàm. Không phân biệt tuổi tác, giới tính hay thời gian mất răng, khách hàng chỉ cần có đủ sức khỏe là có thể thực hiện trồng răng Implant. Trong trường hợp mất răng lâu năm, vùng xương hàm đã có hiện tượng tiêu xương, tụt lợi, bác sĩ sẽ chỉ định trồng răng Implant sau khi ghép xương hàm để có hiệu quả điều trị tốt nhất.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn
Source: http://139.180.218.5
Category: Thuật ngữ đời thường