Sự khác nhau giữa Vi diệu, Ảo diệu, Huyền diệu và Kì diệu – Bạn đã biết ? Đăng 4 năm trước

4 từ này có chung thành tố diệu. Tuy nhiên mỗi từ có một nghĩa khác nhau, cụ thể như sau:

Kì diệu

Kì diệu là những điều lạ lùng, khác thường, mang lại cảm giác ngạc nhiên, làm cho người khác phải khâm phục, theo chiều hướng tích cực.  

Ví dụ: những phát minh kì diệu của khoa học

Huyền diệu

Là những gì nằm ngoài tổng kết, quy luật của khoa học, những gì thuộc về tâm linh, vượt khỏi lí tính của con người .

Ví dụ: phép màu huyền diệu

Vi diệu

Vi diệu là từ đã có từ rất lâu, khoảng trên 100 năm trước. Có lẽ mọi người sẽ ngạc nhiên, nhưng đúng là như thế. Nó đã xuất hiện từ lâu nhưng chỉ mới nổi lên do ảnh hưởng của truyền thông mà cụ thể là MC Trấn Thành. Anh hay kèm “vi diệu” hay “thật là vi diệu” trong từng câu nói của mình. Từ đó “vi diệu” được dùng nhiều hơn. Tuy nhiên, nghĩa của từ “vi diệu” khác nhau ở 2 thời kì. 

Khoảng cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, vi diệu dùng để chỉ những lời nói của bậc thánh nhân, đúc rút những triết lí cao siêu, mang sắc tố triết học .

Ví dụ: lời nói vi diệu (lời nói của tiên Thánh). 

Tuy nhiên hiện nay từ vi diệu đã được dùng với ý nghĩa thông tục hóa. Cụ thể là khi có điều gì đó mang lại cho ta cảm giác ngạc nhiên, thán phục thì gọi là vi diệu (như trong các phát ngôn của Trấn Thành).

Ảo diệu

Đây là từ mới nhất trong 4 từ trên .

Ảo ở đây có nghĩa là không có thật mà lại nhìn giống như thật. 

Ảo diệu là một từ mới được ghép từ hai từ kì ảo và kì diệu. Ngoài ý nghĩa là điều lạ lùng nhưng khiến người khác ca ngợi thì từ này còn mang thêm nghĩa là điều kì lạ, tưởng chừng như không có thật và chỉ có trong tưởng tượng. 

Ví dụ: những bức ảnh ảo diệu trên mạng xã hội 

Và bên dưới là một số bức ảnh được cư dân mạng cho là “ảo diệu”





Bây giờ thì bạn đã phân biệt được sự khác nhau giữa vi diệu, ảo diệu, huyền diệu và kì diệu chưa ?

Như Quỳnh – Ohay.TV

Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *