Ngoại phân cau kỹ lắm, cũng loại một, loại hai, loại ba và có cả loại bốn. Qua quan sát tôi nhận thấy loại bốn là những quả cau “già rồi mà như con nít” nó bé xíu, còi cọt và hình như không có ruột, ngoại tôi gọi đó là những quả cau “điếc”. Bọn trẻ chúng tôi lấy những quả cau điếc chơi đồ hàng bởi ngoại thường bỏ đi không dùng. Tôi hỏi ngoại tại sao lại gọi nó là điếc? Ngoại cười hiền lành giảng giải, điếc là vì nó không hoàn thành nhiệm vụ! Tôi bái phục cách dùng chữ dí dỏm của ngoại nhưng ngần ấy là không đủ cho trí tò mò của một cậu bé đang ở cái tuổi lấy khám phá giết thời gian.

Tôi hành hạ mình trong thư viện của xã cả tháng trời để tìm cách thỏa mãn cho câu hỏi “điếc là gì”? Ơn giời, ít nhiều thì sự ngờ nghệch cũng được cải thiện. Té ra chữ điếc cũng nhiều nghĩa chứ không dùng để chỉ mỗi quả cau “không hoàn thành nhiệm vụ”. Trước hết điếc là một loại bệnh thuộc về thính giác. Người bị mất khả năng nghe thì gọi là điếc (khác với lãng tai tức vẫn còn nghe được một phần). Người điếc nhọc nhằn chở theo muôn trùng nỗi khổ. Trăm cái thiệt, ngàn cái mất, nhưng bù lại những giác quan khác của họ phát triển hơn hẳn. Tôi còn phát hiện ra tất cả những người điếc bẩm sinh đều mắc thêm bệnh câm, đó là sự bất công đáng trách nhất của tạo hóa. Người câm điếc giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu hoặc chữ viết. Dù xã hội đã có những nỗ lực để người điếc có cơ hội hòa nhập, thậm chí có cả những “MC” ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình, nhưng những gì người điếc phải chịu thì không thể điều gì và không thể có ai bù đắp được. Có lẽ thiệt thòi lớn nhất của người điếc là không được nghe hàng triệu âm thanh tuyệt vời của cuộc sống. Họ không nghe được tiếng chim hót mỗi buổi ban mai, tiếng tí tách của sương rơi trên lá, tiếng trẻ thơ í ới gọi nhau, đành rằng nhờ vậy mà họ cũng không phải nghe những tiếng thở dài. Người điếc cảm nhận cuộc sống bằng những giác quan còn lại, nghiệt ngã nhưng cũng diệu kỳ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *