ĐOẠN TẬN BA ÁI
Trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật đã giảng dạy, Nguyên nhân Khổ là : Khát ái, tìm cầu Hạnh phúc ( hỷ lạc ) chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái. Để chấm dứt được Khổ phải đoạn trừ, đoạn tận được BA ÁI này, tức Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái. Và để đoạn trừ, đoạn tận BA ÁI, phải HIỂU BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT BA ÁI hay Giác Ngộ BA ÁI. Nhưng trước tiên phải khẳng định rằng, Tham ái là Tham ái HẠNH PHÚC. Vì vậy, CHẤM DỨT KHỔ là chấm dứt THAM ÁI HẠNH PHÚC chứ không phải CHẤM DỨT HẠNH PHÚC.
1 – DỤC ÁI : Là tham ái Hạnh phúc do Sắc đẹp, Tiếng hay, Hương thơm, Vị ngon, Xúc chạm êm ái khởi lên. Vì tham ái Hạnh phúc do năm Dục như vậy khởi lên, nên tìm kiếm Dục lạc ( Hạnh phúc ) chỗ này chổ kia. Vì vậy mà lao tâm khổ trí và sầu bi khổ ưu não sẽ khởi lên. Vì tham ái Dục lạc mà cha tranh đoạt với con, vợ chồng tranh đoạt nhau, hàng xóm tranh đoạt nhau, dòng họ tranh đoạt nhau, quốc gia tranh đoạt nhau. Vì tham ái Dục lạc mà có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượi và các ác, bất thiện pháp khác. Vì tham ái Dục lạc mà có biết bao lừa đảo, cướp bóc, phá sản, tàn sát, tàn hại lẫn nhau. Vì tham ái Dục lạc mà loài người sáng chế biết bao loại vũ khí tối tân hiện đại, kể cả bom nguyên tử để tàn sát nhau. Vì tham ái Dục lạc mà nhân loại phát minh ra biết bao các loại thuốc kích thích, tăng trưởng để tự mình đầu độc mình. Vì tham ái Dục lạc mà người ta phát minh ra ma tuý để buôn bán và tàn hại nhau. Vì tham ái Dục lạc mà có biết bao cô hoa hậu, người mẫu bán dâm. Vì tham ái Dục lạc mà có những đứa con trai giao cấu với mẹ đẻ của mình, có ông bố hiếp dâm cả đứa con đẻ sáu tuổi của mình. Dục lạc thế gian là Phàm phu lạc, ô uế lạc, bất tịnh lạc và Tham ái dục lạc đưa đến tìm cầu Dục lạc là Nguyên nhân phát sinh những nỗi đau khổ, những nổi thống khổ, những thảm hoạ của thế gian này. Tham ái Dục lạc cũng phát sinh sự nắm giữ Hạnh phúc ( Thủ ) nhưng vì Hạnh phúc chỉ là các CẢM THỌ ( CẢM GIÁC ), do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, nó vô thường, biến hoại, biến diệt nên khi nó mất đi, sẽ phát sinh sầu bi khổ ưu não.
Dục Lạc hay Hạnh phúc, được chia làm hai loại : Hạnh phúc vật chất ( Lợi ) và Hạnh phúc tinh thần ( Danh ). Nhân loại ràng buộc mãnh liệt và bị chi phối mãnh liệt vào Hạnh phúc vật chất là một điều rõ ràng mà ai cũng có thể nhận rõ. Bản năng này giống nhau ở cả loài người và loài thú tuy mức độ có khác nhau. Nhưng Hạnh phúc tinh thần, vi tế và cao siêu hơn Hạnh phúc vật chất lại ràng buộc và chi phối loài người cao gấp nhiều lần Hạnh phúc vật chất. Và chính vì vậy, Tham ái Hạnh phúc tinh thần lại gây ra những khổ đau gấp bội. Ví như một người ăn mày đói lã được dọn cho một mân cơm ngon lành nhưng người chủ mân cơm tung ra những lời miệt thị, chửu rủa, đay nghiến, sỉ nhục nặng nề, thì chắc rằng người ăn mày không thể ngồi ăn với cách đối xử như vậy. Nhân loại coi trọng Hạnh phúc tinh thần hơn Hạnh phúc vật chất, thể hiện ở chổ tuy ở trong nhà một mình mặt mũi nhem nhuốc, áo quần bẩn thỉu, sao cũng được nhưng nếu phải ra đường thì phải rửa mặt mũi sạch sẽ, áo quần tươn tất. Rất ít người tự tử vì nghèo khó, thiếu tiện nghi, mất tài sản mà rất nhiều người tự tử vì thất tình, vì bị nghi oan, vì mất danh tiếng, vì nhục nhã khi bị phá sản. Con người khi sống với các vật nuôi thì ít khi xẩy ra xung đột nhưng khi sống trong gia đình, giữa con người với nhau thì xung đột thường xuyên xẩy ra bởi đời sống tinh thần hơn thua, phải trái … Người nông dân sống nơi thôn làng hẻo lánh, đời sống tinh thần của họ giản đơn nên nỗi khổ tinh thần của họ ít hơn hẳn nỗi khổ của những ca sĩ, diễn viên, nhà văn, nhà thơ thành đạt, những người nổi tiếng. Từ bỏ tham ái Hạnh phúc vật chất ( Lợi ) là một điều rất khó, mà từ bỏ tham ái Hạnh phúc tinh thần (Danh ) là điều khó khăn gấp bội. Nhiều người tu không hiểu rõ sự thật này nên chủ trương từ bỏ Hạnh phúc vật chất mà phấn đấu để đạt đến, để hưởng thụ một đời sống tinh thần thanh cao, để tận hưởng Hạnh phúc trong giây phút hiện tại với trời xanh mây trắng, gió hát thông reo, với những lý tưởng cao đẹp của cuộc đời. Làm vậy chỉ là đề cao bản ngã, ràng buộc vào lý tưởng, vào danh tiếng, ràng buộc vào Hạnh phúc tinh thần và nỗi khổ phát sinh còn khốc liệt hơn nhiều. Trong tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ, nhà văn Kim Dung đã đưa ra cảnh báo này qua ẩn dụ về Nhạc Bất Quần. Để đạt được mục đích là nhân vật số một, thống lãnh thế giới giang hồ, đứng đầu ngũ nhạc, Nhạc Bất Quần đã tự thiến mình để có đủ điều kiện luyện tập một môn võ Tịch tà kiếm phổ bí truyền vì với môn võ bí truyền đó mới có thể đứng đầu ngũ nhạc. Hành động tự thiến là từ bỏ, hy sinh cuộc sống vật chất nhưng là để phục vụ một mưu đồ đen tối, để đạt đến Hạnh phúc tinh thần.
Tham ái Hạnh phúc vật chất và tinh thần ( Lợi và Danh ), tức Tham ái Dục lạc gọi là DỤC ÁI là Nguyên nhân Khổ. Chấm dứt DỤC ÁI là Chấm dứt Khổ. Con đường để chấm dứt Dục Ái, Chấm dứt Khổ là Bát Chánh Đạo. Trong Bát Chánh Đạo có Chánh Định và trong Chánh Định có hỷ lạc của Sơ thiền, Nhị thiền, lạc của tam thiền và hiện tại lạc trú của tứ thiền. Bậc Thánh hữu học và vô học an trú Bát Chánh Đạo siêu thế, có được hỷ lạc của Chánh Định là Thánh lạc, Chánh giác lạc, an tịnh lạc thì Chấm dứt Tham ái Dục lạc, chấm dứt tham ái Phàm phu lạc, ô uế lạc, bất tịnh lạc.
2 – HỮU ÁI : Là tham ái sự sống, sự hiện hữu. Trong hiểu biết vô minh của Phàm phu, sự sống là mầu nhiệm, là cao cả, là sản phẩm tuyệt vời của tạo hoá. Sống là Hạnh phúc, sống là khám phá và tận hưởng hạnh phúc của thế giới mầu nhiệm. Chết là chấm hết, là mất tất cả, là đau khổ, là một khoảng tối bí hiểm, đầy đe doạ, khủng khiếp, đầy sợ hãi. Chính vì bị chi phối bởi hiểu biết vô minh, không đúng sự thật như vậy mà nhân loại khao khát sống, mong muốn sống, bám vúi sự sống. Đây là tham ái sự sống, sự hiện hữu mà thuật ngữ Phật học Hán Việt gọi là HỮU ÁI. Những thông tin Hữu ái này đã được lưu giữ trong kho chứa ADN từ vô thuỷ và nó đều được tăng cường qua các kiếp sống. Khi con người khoẻ mạnh, lượng thông tin Hữu ái ở yên trong kho chứa nhưng khi có những nhân tố bên ngoài xuất hiện như bệnh tật, hấp hối … vv thì Niệm ( trí nhớ ) sẽ kích hoạt các thông tin đó lên, làm phát sinh nỗi đau khổ vì sợ chết. Chính sự khao khát sống, mong muốn sống, bám vúi sự sống ( Hữu Ái ) làm phát sinh nỗi sợ chết kinh hoàng là nguyên nhân đưa đến tái sanh, làm phát sanh Thức Tái Sanh lúc chết, mà thực chất là một Hoá Sanh, tiếp tục luân hồi sanh tử, tiếp tục nỗi khổ của Hoá Sanh và nỗi khổ của Sinh Già Bệnh Chết. DỤC ÁI chi phối mãnh liệt đời sống nhân loại, là nguyên nhân phát sinh nỗi thống khổ của con người nhưng HỮU ÁI còn chi phối mãnh liệt hơn, là nguyên nhân phát sinh nỗi thống khổ còn mãnh liệt hơn nhiều. Ví như một người có tài sản 5 tỉ đô la mà họ suốt đời lao tâm khổ trí để tích góp và họ ràng buộc mãnh liệt đối với khối tài sản đó. Nhưng nếu họ đến bác sỉ, sau khi đã làm các xét nghiệm đầy đủ, với mọi số liệu chính xác, bác sĩ kết luận, anh ta chỉ còn sống tối đa một tháng nữa thôi thì chắc chắn rằng, nếu có một sự mầu nhiệm nào đó mà anh ta hết bệnh, sống mạnh khoẻ như xưa thì anh ta sẵn sàng đánh đổi 5 tỉ đô la kia để đổi lấy sự sống. Những người Duy vật cực đoan tin rằng chết là hết, chết không có gì đáng sợ, nhưng chính những người này lại sợ hãi, đau khổ vô cùng tận khi giáp mặt cái chết. Nguyên nhân nỗi khổ của con người là Tham ái, do tham ái mà Nắm giữ nên khổ vì Sợ Mất và khổ khi bị Mất. Mất cái gì ? Mất Lợi, mất Danh, mất Sự Sống. Người Duy vật cực đoan khi trong đời sống, mất Lợi Danh đã rất đau khổ thì khi giáp mặt với cái chết, mất tất cả lợi danh, thân xác, sự sống, mất cả thế giới mầu nhiệm này, mất con mắt, mất cả trời xanh mây trắng để nhìn … còn lại một khoảng tối đen ngòm không hề biết là cái gì… Tất cả những cái đó sẽ làm phát sinh nỗi sợ hải vô cùng tận, nó lớn lao gấp nhiều lần so với người tin rằng TA vẫn còn tái sinh trong đời sau. Cho dù tin rằng chết là hết, nhưng những người đó khi chết vẫn phát sanh Thức Tái Sanh vì HỮU ÁI là nguyên nhân của tái sanh đang chi phối họ.
HỮU ÁI là nguyên nhân phát sinh nỗi khổ kinh hoàng khi nghỉ tưởng về cái chết và khi giáp mặt thật sự với cái chết. Không chỉ có vậy, chính HỮU ÁI là nguyên nhân phát sinh Thức Tái Sinh, thực chất là Hoá Sanh phải lãnh chịu nỗi thống khổ mà kinh nghiệm của đời sống thế gian khó hình dung ra được một cách đầy đủ. Cho dù là cảnh giới chư thiên vẫn còn bị tham ái Dục lạc chi phối nên vẫn thích ghét, vui buồn … vẫn khao khát ăn uống, tình dục… nhưng Hoá sanh không hề được thoã mãn cho dù một chút xúi, vì tất cả chỉ là “cảnh ảo”, giống như nhìn thấy trên màn hình ti vi mà không ăn được, không cầm nắm được, không sử dụng được. Do HỮU ÁI mà sau khi Danh Sắc của Hoá Sanh diệt lại phát sinh một Danh Sắc khác là trứng sinh hay thai sanh tiếp tục luân hồi sanh tử, tiếp tục nỗi khổ Sinh Già Bệnh Chết, nỗi khổ của Luân hồi tái sanh.
Chấm dứt Hữu Ái chính là Chấm dứt Khổ. Con đường chấm dứt Hữu Ái là Bát Chánh Đạo. Chi phần đóng vai trò chính để chấm dứt Hữu Ái là Chánh Kiến, còn được gọi là Trí Tuệ, là Minh. Trong một bản Kinh, Đức Phật đã dạy : Ai thấy tư tưởng sanh y khởi lên mà đoạn diệt chậm chạp, Ta nói người đó vẫn ràng buộc với sanh y. Ai thấy tư tưởng sanh y khởi lên, đoạn diệt nhanh chóng ví như một cái chảo đã nung nóng đỏ, nhỏ một vài giọt nước thì “xèo” thành hơi ngay, Ta nói người này vẫn còn ràng buộc bởi sanh y. Và Ngài dạy rằng: Ai thấy biết như thật, SANH Y LÀ KHỔ, người ấy trở thành VÔ SANH Y. Trí tuệ thấy biết như thật SANH Y LÀ KHỔ chính là giác ngộ Khổ đế và Tập đế, thấy biết như thật CHẤM DỨT SANH Y là CHẤM DỨT KHỔ là giác ngộ Diệt đế và Đạo đế. Thấy biết như thật Sanh Y Là Khổ, còn hiện hữu là còn khổ, còn tái sanh là còn khổ, cho đến một vị A La Hán đã chấm dứt Khổ do Tham ái nhưng đang còn tuổi thọ, đang còn hiện hữu thì vẫn còn cảm nhận một số cảm giác khó chịu ( Khổ thọ ) do Nội và Ngoại xúc trần phát sinh. Đó là cái khổ còn dư sót ( Hữu dư Niết bàn ) tuy rất ít ỏi ví như đất trên đầu móng tay so với đất trên quả đất ( ví cho khổ do tham ái đã diệt ) và chỉ khi Nhập diệt, Danh Sắc của vị đó diệt, không còn phát sinh một Danh Sắc nào nữa, KHÔNG CÒN HIỆN HỮU thì lúc đó mới Khổ diệt hoàn toàn, mới Vô dư Niết bàn. Điều này có thể hình dung ra với ví dụ sau : Ai cũng đã từng kinh nghiệm một ngày nào đó, tràn đầy hạnh phúc, rất ít đau khổ phiền nhiễu từ sáng cho đến 10 giờ đêm. Nhưng sau đó từ 10 giờ đêm cho đến 6 giờ sáng hôm sau, ngủ một giấc say, không mộng mỵ. Rõ ràng khách quan mà xem xét thì thời gian từ 10 giờ đêm đến sáu giờ sáng “tuyệt hơn” rất nhiều thời gian từ sáng đến 10 giờ đêm, tuy rất nhiều hạnh phúc nhưng vẫn còn phiền nhiễu, còn phải ăn, đại tiện, tiểu tiện, vẫn phải chịu đựng mệt mỏi, nóng lạnh… Thời gian từ sáng đến 10 giờ đêm là HIỆN HỮU có vui có khổ, thời gian từ 10 giờ đêm tới sáng là KHÔNG HIỆN HỮU là không có gì cả, không có khổ lẫn vui. Nếu một người ngủ say không mộng mỵ như vậy mãi mãi thì cũng chấm dứt tất cả mọi lo toan, sợ hãi, toan tính, ràng buộc, chấm dứt cả hạnh phúc cũng như đau khổ, chấm dứt cả dòng luân hồi sinh tử. Một vị A La Hán nhập diệt hình dung cũng y như vậy, như một giấc ngủ say không mộng mỵ, vĩnh viễn, không còn đời sau, không còn hiện hữu với bất cứ hình thức nào, bất cứ nơi chốn nào.
Đa phần người tu học Phật chỉ mới nhận thức DỤC ÁI là Nguyên nhân Khổ, rất ít người nhận thức được HỮU ÁI là nguyên nhân, phát sinh khổ khốc liệt hơn rất nhiều. Đoạn trừ DỤC ÁI chưa có thể chấm dứt được luân hồi tái sinh, chỉ đoạn trừ HỮU ÁI mới chấm dứt luân hồi tái sinh. Trong Pháp Cú có đoan : ” Sau khi giết mẹ cha. Giết hai vua Sát ly. Giết dân chúng quần thần. Vô ưu Phạm chí sống”. Ẩn dụ của câu đầu là Cha và Mẹ sinh ra chúng sinh trong dòng luân hồi sinh tử chính là VÔ MINH và HỮU ÁI và vị A La Hán, là vị đã đoạn trừ VÔ MINH và HỮU ÁI, đồng nghĩa với giết mẹ cha. Vì chưa thấy biết như thật HỮU ÁI nên các chú giải đã găm vào đầu óc đa số người tu là phải tu nhiều đời nhiều kiếp nữa, và vì vậy đa phần người tu đang chăm bẵm, đang nuôi dưỡng cho cái MẦM TÁI SANH bụ bẩm, tràn đầy sinh lực cho đời sau. Ví như, chủ trương giữ giới không sát sinh để bảo vệ sự sống của chúng sanh, để đời sau sinh ra được khoẻ mạnh, không bệnh tật, được trường thọ, được phước báu hạnh phúc trong tương lai thực chất phát sinh từ DỤC ÁI và HỮU ÁI do hiểu biết nguyên nhân khổ là do ngoại cảnh, do thiếu phước chứ không thấy biết được lời dạy của Phật, Dục ái và Hữu ái là Nguyên nhân Khổ. Người trí thấy biết như thật còn sanh y là còn khổ thì sẽ “lông tóc dựng ngược” và sẽ nhất hướng nhàm chán sanh y, sẽ chỉ còn một tâm niệm duy nhất là phấn đấu nỗ lực để đây là kiếp sống cuối cùng, không còn tái sinh lại nữa. Sự nhất hướng đó sẽ cắt đứt MẦN TÁI SINH ngay trong hiện tại này.
3 – PHI HỮU ÁI : Là tham ái sự hiện hữu không có thân xác, hiện hữu trong một cảnh giới tâm linh với phúc lạc toàn vẹn, pháp hỷ sung mãn, hạnh phúc tuyệt đối. Đây là cảnh giới lý tưởng của mọi tôn giáo và là đích đến của cả một quá trình tu hành dài dặc, gian khổ. Đối với Ba la môn giáo thì giải thoát là khi nào hoà nhập linh hồn gọi là Tiểu ngã vào Đại ngã. Đối với tôn giáo đặt nền móng trên Cựu ước thì đó lúc linh hồn hiện hữu ở Thiên đường cực lạc hay Nước Chúa. Đối với Kỳ na giáo thì linh hồn được giải thoát tự do tự tại hoàn toàn không còn bị bó buộc trong thân xác. Trong Phật giáo cũng có nhiều cá nhân, nhiều tông phái hiểu Vô Dư Niết bàn là nơi Hạnh phúc tuyệt đối, là phúc lạc toàn vẹn, pháp hỷ sung mãn, là một Trạng Tái Tâm, Niết bàn là Thường Lạc Ngã Tịnh hay Thường Lạc Vô ngã Tịnh, Niết bàn là Chân Không Diệu Hữu … và vì vậy hiểu rằng khi một vị A La Hán nhập Niết Bàn Vô Dư là tâm thức thanh tịnh nhập vào Niết bàn. Những hiểu biết về Niết Bàn như vậy đã hàm chứa một SỰ HIỆN HỮU không còn thân xác, mục đích là để tận hưởng Hạnh phúc tuyệt đối của Niết bàn. Nhưng vì Phật giáo phủ nhận sự tồn tại của linh hồn hay tâm thức không sinh không diệt, nên tuy công nhận một sự hiện hữu không thân xác như vậy, nhưng cụ thể cái hiện hữu ở Niết bàn là cái gì thì các tông phái tránh né bằng ” bất khả tư nghì” hoặc tuy Chân Không mà Diệu Hữu. Những hiểu biết vô minh như vậy xuất phát từ Tham ái hiện hữu không có thân xác, nên không thể chấp nhận sự nhập diệt của vị A La Hán như dầu hết đèn tắt, không còn đi về đâu, không còn hiện hữu ở bất kỳ đâu, bất kỳ hình thức nào, giống như ngủ một giấc say không mộng mỵ vĩnh viễn. Hiểu biết vô minh do tham ái hiện hữu không bao giờ chấp nhận một vị A LA HÁN CHẾT LÀ HẾT, họ sẽ nguỵ biện rằng tu hành gian khổ như vậy suốt bao a tăng kỳ kiếp để rồi chết là hết thì tu để làm gì. Chỉ những ai đã thành tựu Trí Tuệ Giác Ngộ Tứ thánh Đế đã thấy biết như thật, CÒN SANH Y LÀ CÒN KHỔ, đã đoạn tận DỤC ÁI, HỮU ÁI, PHI HỮU ÁI mới có thể bình thản chấp nhận tu để cuối cùng đạt được CHẾT LÀ HẾT, không còn tái sinh, không còn hiện hữu có thân xác hay không có thân xác.
HỮU ÁI tuy chi phối đời sống nhân loại mãnh liệt hơn DỤC ÁI nhưng PHI HỮU ÁI còn chi phối mãnh liệt hơn HỮU ÁI. Những người Hồi giáo cực đoạn thích thú mãnh liệt linh hồn sẽ được hiện hữu ở thiên đường cực lạc nếu “tử vì đạo” nên họ sẵn sàng ôm bom tự sát, không hề sợ hãi đối với cái chết. Các đạo sĩ loã thể Ấn độ xưa và nay do tham ái hiện hữu trong Đại Linh hồn ( Đại ngã ) nên Phi Hữu ái đè nén được Dục ái và Hữu ái, họ không hướng đến hạnh phúc thế gian ( Dục ái ) và mạng sống ( Hữu ái ).
Phi Hữu ái vẫn là tham ái sự hiện hữu nên khi chết lộ trình tâm khởi lên, tha thiết hướng đến HIỆN HỮU thế giới tâm linh cực lạc ấy và vì vậy phát sinh Thức Tái Sinh là một Hoá Sanh. Hoá Sanh có thể tồn tại một thời gian rất dài và vẫn phải chịu mọi nỗi thống khổ của Hoá Sanh và khi nghiệp đó cạn kiệt thì lại vào Thai sanh hoặc Trứng Sanh, trở lui cuộc đời này với nỗi khổ của Sinh Già Bệnh Chết. Trong kinh Pháp Môn Căn Bản đã nói rõ, kẻ Phàm phu không Liễu Tri Niết bàn nên Dục hỷ Niết bàn và đó là Căn bản của Khổ. Nghĩa là kẻ Phàm phu không hiểu biết đúng như thật Niết bàn mà cho rằng Niết bàn là thường lạc ngã tịnh, Niết bàn là hạnh phúc tuyệt đối nên tham ái, tìm cầu hạnh phúc tuyệt đối của Niết bàn gọi là Dục hỷ Niết bàn. Dục hỷ Niết bàn là tên gọi khác của Phi Hữu ái.
Chấm dứt PHI HỮU ÁI là CHẤM DỨT KHỔ. Con đường chấm dứt Phi Hữu ái, Chấm dứt Khổ là Bát Chánh Đạo. Chi phần chính có khả năng chấm dứt Phi Hữu ái là Chánh Kiến. Chánh Kiến hay Trí Tuệ đạt được do Văn, do Tư và do Tu. Khi Trí Tuệ ở cấp độ thứ ba, do Tu đã viên mãn thì CHÁNH TRÍ khởi lên, vị ấy biết : Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái này nữa. CHÁNH TRÍ khởi lên mới đoạn tận PHI HỮU ÁI và đây cũng là thời điểm đạt thành đạo quả A La Hán.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *